Đăng Ký Học
Ngày 29/11/2023 11:54:22, lượt xem: 3880
Để viết một bài văn hoàn chỉnh, phần tác giả cũng là một yếu tố em không thể bỏ qua. Và không chỉ đơn thuần "chép" những thông tin trong sách giáo khoa lên giấy, mà chúng ta cũng cần triển khai thành các đoạn văn ngắn. Hãy cùng Học Văn Chị Hiên tham khảo những đoạn văn viết mẫu dưới đây.
1. CHÍNH HỮU
Trong làng thơ Việt Nam, Chính Hữu là một cây bút tài năng đáng để nhiều người mơ ước. Tuy viết ít nhưng thời kỳ nào, ông cũng có những bài thơ rất hay, mang đậm hơi thở thời đại. Nhà thơ Vũ Quần Phương đã từng nhận xét: Chính Hữu là “nhà thơ quân đội thực thụ cả ở phía tác giả lẫn tác phẩm”. Sắc xanh áo lính đã gắn bó với Chính Hữu trong suốt con đường thơ của ông và nói đến thơ ông là nói đến những trang thơ về người lính. Với “Đồng chí”, Chính Hữu đã đóng góp cho nền thơ kháng chiến chống Pháp một bài thơ xuất sắc về người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam. Bài thơ ra đời năm 1948, khi chính Hữu là chính trị viên đại đội thuộc Trung đoàn Thủ đô. Bằng những chi tiết, những hình ảnh hết sức chân thật, cụ thể mà đầy tính chắt lọc, khái quát, bài thơ đã thể hiện một cách cảm động tình đồng chí gắn bó giữa những người nông dân mặc áo lính, cùng chiến đấu giữ gìn độc lập tự do của Tổ quốc. “Đồng chí” cũng thể hiện rõ phong cách thơ độc đáo của Chính Hữu: ít lời để gợi nhiều ý, ngòi bút biết tinh lọc, cô đúc trong từng chi tiết, từng hình ảnh để vừa cụ thể, vừa giàu tính khái quát, câu thơ chắc gọn bên ngoài lại ẩn chứa một tâm hồn thiết tha, da diết từ bên trong.
2. PHẠM TIẾN DUẬT
Suốt 16 năm “đi không dấu, nấu không khói, xoi đường lập trạm, mở tuyến về Nam”, Bộ đội Trường Sơn đã làm nên hào khí một thời. Văn nghệ sĩ cũng đã trở thành những người lính đặc biệt trên đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Họ được những người lính chiến đấu dọc con đường huyền thoại này đùm bọc, bảo vệ, tạo nguồn hứng cảm bất tận để viết ra những vần thơ. Những bài thơ ấy đã góp phần động viên, xốc dậy tinh thần và làm nức lòng nhân dân hai miền Nam-Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ai đó đã nói “Phạm Tiến Duật - thi sĩ của Trường Sơn” cũng rất đúng. Bởi ông đã ở mười bốn năm trong quân đội, trong đó có 8 năm ở Trường Sơn.Trường Sơn đã tạo nên thơ Phạm Tiến Duật, và Phạm Tiến Duật cũng là người mang được nhiều nhất Trường Sơn vào thơ. Thơ Phạm Tiến Duật đã lưu lại trong lịch sử văn học dấu mốc của thơ trữ tình Việt Nam trên hành trình đi tìm cái đẹp trên các sự kiện và biến cố in đậm chất sử thi của một thế kỉ đầy biến động. Thơ của anh cất lên bên những hố bom còn khét mùi thuốc nổ, từ những con đường đầy tiếng bom như tiếng thú. Có thể nói, thơ anh đã gắn liền máu thịt với con đường Trường Sơn, phản ảnh rất chi tiết, sống động và đầy cảm xúc, khái quát toàn bộ tinh thần của mặt trận, tinh thần của những con người đang quyết sinh tử với con đường.
3. HUY CẬN
Huy Cận là nhà thơ lớn, nhà văn hóa lớn tầm cỡ thế giới. Tuy am hiểu nhiều nền văn minh, văn hóa của nhân loại, hồn thơ ông vẫn đậm đà bản sắc dân tộc. Suối nguồn thơ ca truyền thống đã rót vào tâm hồn Huy Cận những giai điệu du dương, khiến cho tiếng thơ - những khi đạt đến độ thuần thục - rất dễ đi vào lòng người. Có thể nói: thiên nhiên, quê hương đất nước là nguồn cảm hứng vô tận trong thơ Huy Cận. Nếu ở Xuân Diệu, thiên nhiên thường sực nức hương vị và ngôn ngữ ái tình thì ở Huy Cận, núi sông cây cỏ bao giờ cũng lặng lẽ, bình thản như tâm hồn tác giả. Không thể hình dung được thơ Huy Cận sẽ ra sao nếu thiếu đi nắng vàng, trời xanh, gió biếc, biển rộng, sông dài,... Nhưng thơ ấy không thuộc loại thơ điền viên, bởi trước sau tác giả vẫn luôn nặng lòng đời, luôn có ý thức phát hiện rồi khẳng định sự hài hòa giữa con người với tự nhiên; để mở rộng biên giới những xúc cảm, nâng tầm nhận thức về sự tồn tại của con người. "Thơ viết về đất nước, thiên nhiên và quê hương là một điểm mạnh của Huy Cận. Dường như ở đây nhà thơ đã toát ra một mảng hương sắc sâu xa, cao đẹp nhất của tâm hồn mình" (Xuân Diệu).
ĐỌC THÊM: THÔNG TIN CẦN GHI NHỚ VỀ CÁC TÁC GIẢ LỚP 9 - HỌC KÌ 1
4. BẰNG VIỆT
Cách đây hơn nửa thế thế kỷ, nhà thơ Bằng Việt là một trong những gương mặt thơ tài năng của thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong chiến tranh. Tập thơ đầu tay Hương cây, Bếp lửa của 2 nhà thơ Bằng Việt và Lưu Quang Vũ in chung năm 1968 đã bắt đầu cho hành trình thơ của những trí thức trẻ ở “hậu phương lớn” miền Bắc hướng về “tiền tuyến lớn” miền Nam. Thơ Bằng Việt tài hoa, thường nghiêng về một lời tâm sự, một sự trao đổi nghĩ suy, nhưng vẫn trẻ trung, hồn nhiên và gây được cảm giác gần gũi, thân thiết đối với người đọc. Một đặc điểm nữa của thơ Bằng việt là sâu lắng trầm tư thích hợp với người đọc thơ trong sự trầm tĩnh, vắng lặng. Với tri thức văn hóa sâu rộng, với tài năng và lòng đam mê, chân thành cảm xúc, dám sống hết mình cho thời đại, thơ Bằng Việt đã nói lên tiếng nói của thời đại. Những bài thơ, những câu thơ luôn ám ảnh trái tim người đọc, có sức hút, mang đến vẻ đẹp của cấu trúc, của nhạc điệu; những hình ảnh và ngôn ngữ được xác lập tràn đầy năng lượng sáng tạo.
5. NGUYỄN DUY
Trong một bài tiểu luận của mình Đỗ Ngọc Thạch có viết: “Và Hoài Thanh đã nhận xét về thơ Nguyễn Duy: “…Thơ Nguyễn Duy đưa ta về một thế giới quen thuộc. Nguyễn Duy đặc biệt thấm thía cái cao đẹp của những con người, những cuộc đời cần cù gian khổ, không tuổi không tên. Đọc thơ Nguyễn Duy thấy anh hay cảm xúc, suy nghĩ trước những chuyện lớn, chuyện nhỏ quanh mình. Cái điều ở người khác thì có thể chỉ là chuyện thoáng qua thì ở anh, nó lắng sâu và dường như đọng lại…” (Báo Văn nghệ, ngày 14-4-1972)”. Và quả thực thơ Nguyễn Duy là một hồn thơ khiến người đọc phải trăn trở, suy ngẫm về từng câu chữ. Thơ ông có sự kết hợp hài hòa giữa cái duyên dáng, trữ tình với chất thế sự đậm đặc, nhiều bài là tiếng nói khảng khái, bộc trực, đầy ngang tàn mà trầm tĩnh, giàu chiêm nghiệm và mang tinh thần công dân sâu sắc. Phải chăng, chính chất chiêm nghiệm mà ông gửi vào từng câu chữ đã khiến cho các tác phẩm của ông vẫn còn tác động đến nhận thức của độc giả cho đến tận ngày nay?
6. KIM LÂN
Kim Lân là mẫu nhà văn của “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Văn chương cốt ở sự tinh cứ không cốt ở sự nhiều. Trên đường văn, ông để lại 27 truyện, trong đó có 14 truyện viết và in trước Cách mạng Tháng Tám, 13 truyện viết và in sau Cách mạng Tháng Tám. Ông dành cả đời văn của mình để khám phá, sáng tạo về cuộc sống của những người thôn quê nghèo khổ, với nếp sống thanh bạch, nhân nghĩa như là tinh chất được tích tụ và truyền lại từ ngàn đời. Trong văn của Kim Lân, cái đặc sắc, xúc động nhất là hồn cốt của tình người chứ không phải là những kịch tính hay xung đột dữ dằn. Kim Lân để lại ấn tượng trong chúng ta bằng cách khác, cái cách của một người lịch lãm, thấm sâu văn hóa làng quê, thấu hiểu bài học làm người, cách của một tài năng độc đáo, độc đáo ngay trong sự khiêm nhường để tránh không làm tổn thương người khác. Nếu quá trình sống của mỗi người là sự tự họa bức chân dung của người đó trong ký ức của người đối diện, thì đó chính là bức chân dung ông tự vẽ trên trang giấy tâm hồn người bên cạnh. Chính vì vậy, ông càng thêm lớn, càng thêm gần, càng thêm nhớ tiếc trong mỗi chúng ta.
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Tin liên quan